Đi bộ 1h mới tiêu thụ hết năng lượng từ một miếng bánh trung thu nặng chưa đến 1 lạng

Một mẩu bánh trung thu nhỏ nhân trứng muối nặng 60g cung cấp khoảng 200 kcalo. Một phụ nữ cân nặng 55kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này', TS. BS Trương Hồng Sơn nói.

Một mẩu bánh trung thu nhỏ nhân trứng muối nặng 60g cung cấp khoảng 200 kcalo.
 
 

Trao đổi với phóng viên Infonet, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam chỉ rõ, một chiếc bánh trung thu truyền thống 200 gram, nhân có hạt sen trắng, 2 lòng đỏ trứng chứa khoảng 800 kcalo, tương đương với bốn bát cơm, 15 thìa cà phê đường và 9 thìa cà phê dầu mỡ.

“Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4cm cung cấp: 800-1.200 kcalo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao); 5-12g protein; 60-90g cacbohydrat; 30-45g chất béo.

Như vậy để tiêu hao được năng lượng này chúng ta cần: đi bộ với vận tốc 4.8 km/h trong khoảng thời gian 106 phút hoặc chạy với vận tốc 9.6 km/h với thời gian 38 phút. Trong trường hợp bạn đạp xe để tiêu hao năng lượng hết 1 cái bánh trung thu truyền thống 200 gram bạn sẽ phải đạp xe 55 phút với vận tốc 16km/h.

Tương tự một mẩu bánh trung thu nhỏ nhân trứng muối nặng 60g cung cấp khoảng 200 kcalo. Một phụ nữ cân nặng 55kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này”, TS. BS Trương Hồng Sơn nói.

Đây cũng chính là lý do TS Hồng Sơn khuyến nghị một chiếc bánh trung thu nên được chia thành bốn hoặc sáu phần ăn, tương đương dành cho 4-6 người cùng ăn chứ không phải một người duy nhất.

Đáng lưu ý, với thành phần gồm tinh bột (vỏ bánh) và đạm (trong nhân) nên nhiều người coi bánh trung thu như bữa ăn chính (bữa sáng, tối) thậm chí một ngày ăn tới vài chiếc (hay gặp ở thanh niên).

TS Trương Hồng Sơn cho rằng, đây là điều hết sức sai lầm. Bởi bánh trung thu không thể được coi như một bữa ăn hoàn chỉnh và không thích hợp để ăn nhiều trong ngày. Lý do là bánh trung thu có nhiều đường và chất béo hơn gạo và những món ăn chính khác khiến bạn có thể bị thừa năng lượng, thừa dinh dưỡng. Và nếu điều này kéo dài, tình trạng dinh dưỡng cân bằng của cơ thể sẽ thay đổi.

Bên cạnh đó, bánh trung thu có thể khó tiêu hóa, hấp thụ. Nếu ăn quá nhiều bánh trung thu sẽ gây ra vấn đề ở gan hoặc túi mật, các bệnh cấp tính khác, chẳng hạn như đầy bụng, nôn mửa, không có cảm giác ngon miệng, táo bón và rối loạn tiêu hóa...

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua bánh trung thu online. Để có thể chọn mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng người tiêu dùng nên chọn các loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bổ sung thêm điều này, PGS,TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo người dân không nên mua các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, thay vào đó nên tìm mua những sản phẩm có thương hiệu, các cơ sở sản xuất được cấp phép bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bởi khi mua hàng hoá không rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nguy cơ tiềm ẩn là sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực thẩm, sử dụng những thực phẩm phụ gia không được phép.

“Đối với các loại bánh trung thu handmade, hạn sử dụng thường rất ngắn không như bánh sản xuất công nghiệp. Người tiêu dùng khi mua cần chú ý tới hạn sử dụng, bao bì không được méo, rách, không bị dập nát”, PGS, TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. BS Trương Hồng Sơn lại lưu ý, ngay cả các sản phẩm có cơ sở rõ ràng thì cũng cần lưu ý đến hạn sử dụng. Nếu mua bánh tại cửa hàng, nên mua tại các cửa hàng được bày bán ở những địa điểm kinh doanh được xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Ông cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng. Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.

N. Huyền

 

< Trở lại